Sau một khoảng thời gian sử dụng, đàn Piano sẽ không tránh khỏi những lỗi nhỏ, những hư hỏng nhẹ. Đây là hậu quả của việc bảo quản và sử dụng không tốt hoặc đàn đã quá lâu nên dẫn đến hỏng như: đàn bị dính phím, mất tiếng… Đặc biệt là đàn bị dính phím, phím đàn sẽ không nẩy lên được khi bấm hoặc nẩy lên nẩy xuống thất thường.
Đây là những hiện tượng bình thường của đàn Piano, bạn không cần lo lắng quá. Nhưng nếu không khắc phục ngay thì người chơi đàn Piano không thể hiện được toàn bộ những kỹ thuật chơi và sẽ làm ảnh hưởng đễn chất lượng âm thanh của đàn. Vậy, đàn Piano bị dính phím là do đâu, cách khắc phụ như thế nào? Hãy cùng Piano Mozart tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây nhé!
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Cách bảo quản thùng đàn Piano đơn giản và hiệu quả
- Tìm hiểu bộ máy đàn Piano và cách bảo quản thật tốt
- Dịch vụ sửa đàn piano Hà Nội
Nguyên nhân đàn Piano bị dính phím
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đàn Piano bị dính phím.
- Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là độ ẩm thấp. Khi đặt đàn Piano ở những nơi không khô ráo, ẩm ướt thì dạ (được lót trong các khớp chuyển động của đàn) sẽ hút hơi ẩm trong không khí, lâu dần sẽ trương lên, chèn vào các khớp, làm chúng chuyển động khó khăn hơn. Dẫn đến phím đàn không nhạy, tịt, khi nhấn phím sẽ không lên được âm thanh.
- Ngoài ra, chất liệu cấu thành cây đàn Piano phần lớn được làm từ gỗ và kim loại nên khi gặp môi trường ẩm ướt sẽ dễ bị hỏng hóc.
- Thêm vào đó, bụi bẩn, trứng hoặc phân côn trùng cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho phím đàn bị kẹt, bị dính.
Vậy, khi gặp hiện tượng này, chúng ta cần phải làm sao?
Cách khắc phục đàn piano bị dính phím
Với đàn Piano có ống sấy:
- Khi thời tiết nồm ẩm: Khi thời tiết ẩm nóng, nồm, sàn nhà ẩm ướt, bạn nên cắm ống sấy 24h/24h. Còn nếu nhà bạn có điều hòa và bật điều hòa thường xuyên thì khong cần thiết phải cắm ống sấy nữa.
- Khi thời tiết ổn định, không nồm ẩm: Bạn sẽ không nhận thấy khi nào phím bị dính cho đến khi nhấn phím đàn không kêu. Vì thế, khi thời tiết bình thường mà phím bị dính, hãy cắm ống sấy cho đến khi nào nhấn phím đàn kêu được. Khi phím đàn đã kêu, hãy để ống sấy thêm vài ngày hoặc vài tuần nữa là được.
- Còn trong trường hợp, cắm ống sấy nửa tháng liền hoặc cả tháng mà nhấn phím vẫn không kêu thì bạn hãy mở đàn ra xem có trứng gián hay phân côn trùng bị rơi vào các khớp chuyển động không. Nếu có thì hãy vệ sinh đàn bằng máy hút bụi thủ công hoặc gọi thợ đến để sửa.
Nếu đàn Piano của bạn không có ống sấy
- Mở nắp phía nóc đàn bằng cách thúc nhẹ từ dưới lên là đàn nắp sẽ tự bật ra. Nắp đàn thường được đóng chặt để tránh bị rung khi âm thanh phát ra, gây tạp âm.
- Lấy máy sấy tóc, để cách búa đàn bằng dạ khoảng 20 cm (nhìn như cái búa, ở ngay dưới, trong nắp nóc đàn nhưng bằng dạ chứ không phải bằng kim loại). Đưa mấy sấy vào, sấy từ đầu nọ sang đầu kia (dàn búa dài khoảng 1,25 m) trong khoảng 45 phút. Nếu bị ẩm nặng, bạn cần phải sấy lâu hơn, trong trường hợp đàn ẩm nhẹ thì sấy ít hơn.
- Trong khi sấy, hãy thường xuyên gõ vào các phím bị dính, tịt âm để kiểm tra xem có lên được âm thanh hay không? Nếu kêu rồi thì sấy thêm khoảng 10 phút nữa là được.
Chú ý khi dùng máy sấy tóc sấy đàn Piano:
- Không nên sấy quá lâu và để máy sấy gần búa đàn quá vì có thể một số búa do ghim giữ không chặt hoặc không có ghim, sẽ bị bong, há mõm ra sẽ làm bạn mất thời gian và tiền bạc để gọi thợ đến sửa.
- Nếu sấy khoảng hơn 1 tiếng mà không thấy biến chuyển thì bạn nên kiểm tra các nguyên nhân khác như: côn trùng chui vào đàn cắn, hoặc bụi bẩn tích tụ quá nhiều vào các khớp đàn làm khớp đàn bị mắc, không chuyển động.
Có thể nói, đàn piano bị dính phím là kết quả của việc bảo quản không tốt, khí hậu không ổn định. Vì thế, để sử dụng đàn Piano được lâu hơn, tuổi thọ đàn dài hơn, bạn nên tránh để đàn ở những nơi ẩm thấp, lắp ống sấy, tránh xa côn trùng… Nếu để lâu không dùng, bạn nên làm hộp chống chuột, chống gián, chống mối… bởi chúng rất thích chất liệu gỗ của đàn Piano.