Với loạt ca khúc viết về đề tài chống dịch và là một trong những nhạc sĩ đầu tiên ra đời ca khúc cổ vũ lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhiều người trìu mến gọi Phạm Trường là “nhạc sĩ chống dịch”.
Nhạc sĩ chống dịch
Phạm Trường sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại Ninh Bình. Được đào tạo bài bản tại khoa Lý Luận – Sáng Tác – Chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Không giống với nhiều thanh niên trẻ tập trung sáng tác về tình yêu. Phạm Trường dành nhiều tâm huyết cho các vấn đề thời sự, xã hội. “Từ năm 2020 đến nay, những thông tin về sự hi sinh của bác sĩ, lực lượng tuyến đầu luôn làm tôi trăn trở. Tôi dùng âm nhạc để ghi lại cảm xúc, đưa cảm xúc vào âm nhạc. Âm nhạc có thể giúp tinh thần mọi người thư thái, đẩy lùi cảm giác tiêu cực. Âm nhạc là một loại vaccine cho tâm hồn, là một vũ khí chống lại dịch bệnh”, nhạc sĩ Phạm Trường chia sẻ.
Nhiều đêm gần như thức trắng với những khuông nhạc, Phạm Trường đã sáng tác hàng loạt ca khúc như “Đà Nẵng ơi, Tổ quốc đang hướng về”; “Nếu anh không về” (phổ thơ Vũ Tuấn), “Bài ca chiến thắng dịch bệnh” (lời Phù Tiêu), “Người thầy thuốc nhân dân” (phổ thơ Đỗ Hoàng Anh)…
Nhận xét về những sáng tác của Phạm Trường
-Nhạc sĩ Cát Vận- Nguyên Trưởng ban âm nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam. Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc và Thời đại – Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, tuy tuổi đời khá trẻ nhưng nhạc sĩ Phạm Trường đã thể hiện một tư duy âm nhạc tương đối già dặn mà tiêu biểu nhất là bài “Đất Mẹ Miền Trung” thể hiện rõ ngôn ngữ và bút pháp chững chạc, tư duy sâu sắc.
Điều này cũng bộc lộ ít nhiều trong các bài hát phổ thơ. Nhạc sĩ đã chọn những bài thơ có tình, giàu hình tượng và giàu nhạc tính để phù hợp phong cách của mình. Tính trữ tình là một trong những đặc điểm nổi bật ở bút pháp sáng tác của Phạm Trường và anh đã thể hiện được thế mạnh này trong các tác phẩm của mình. Trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, anh đã kịp thời cho ra nhiều tác phẩm, góp thêm tiếng nói cổ vũ, động viên các lực lượng tuyến đầu trong việc phòng chống dịch bệnh. Nêu cao tinh thần đoàn kết, sẻ chia cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của đất nước.
“Trong điều kiện hạn chế về thu thanh, dàn dựng tác phẩm do giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng Phạm Trường vẫn nỗ lực để ra được những sản phẩm âm nhạc có chất lượng. Đó là điều hết sức đáng quý, thể hiện cái tâm và sự nhiệt huyết của người sáng tạo nghệ thuật”. Nhạc sĩ Cát Vận nói.
Có ca khúc Phạm Trường còn “huy động” cả con trai, con gái cùng thể hiện. Ba bố con anh say sưa thể hiện bài hát “Covid là gì?”, với lời ca giản dị, dễ nhớ. Nhạc sĩ Phạm Trường chia sẻ: “Qua các ca khúc này, tôi mong rằng người dân có thể thấy được sự nhọc nhằn của những chiến sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, hãy biết cảm thông và chia sẻ với họ. Đặc biệt, việc chống dịch không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người, mọi nhà. Bởi bớt một người cách ly là tuyến đầu bớt đi một sự nhọc nhằn, Tổ quốc bớt đi gánh nặng về kinh tế”.
Với hàng loạt ca khúc viết về đề tài chống dịch và là một trong những nhạc sĩ đầu tiên ra đời ca khúc cổ vũ lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhiều người trìu mến gọi anh là “nhạc sĩ chống dịch”.
-Bác sĩ Vương Sơn Thành, Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai nhận xét về những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tường: “Bản thân tôi là một người ngành y đang tham gia chống dịch tại thành phố mang tên Bác. Tôi là một người đam mê âm nhạc, đặc biệt những bài hát trữ tình, mang chút âm hưởng hàn lâm. Tôi rất thích các bài hát của nhạc sĩ Phạm Trường. Đặc biệt, tôi ấn tượng sâu sắc với bài hát “Người thầy thuốc nhân dân” và bài hát “Nếu anh không về”. Bài hát vô cùng ý nghĩa và tiếp thêm tình thần mạnh mẽ cho các chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến với Covid-19. Dòng nhạc của Nhạc sĩ Phạm Trường ấm áp, dễ nghe, dễ đi vào lòng người, ca từ nhẹ nhàng, đơn giản như đang kể một câu chuyện hằng ngày. Mỗi lần nghe tôi càng cảm thấy xúc động hơn”.
Tiếng đàn vượt qua buồn chán
Bên cạnh những ca khúc chống dịch, Phạm Trường còn được nhiều người biết đến với những ca khúc về quê hương như “Về Khánh Trung quê anh”. “Sơn La tình yêu đôi mình”. Bài hát “Dòng sông Trí quê mình” (thơ Dương Xuân Sơn và Lê Quốc Hán) đã khiến nhiều người xúc động bởi lời ca trong sáng, thân thương, giai điệu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Nhà thơ, nhà báo PGS-TS Dương Xuân Sơn bày tỏ: “Nhạc sĩ Phạm Trường là một nhạc sĩ trẻ tài năng. Trường đã chắp cánh cho những vần thơ của chúng tôi được vươn xa tới đông đảo công chúng. Không có Phạm Trường thì bài thơ của chúng tôi không thể đến được với đông đảo khán thính giả”.
Hiện nhạc sĩ Phạm Trường vừa là giáo viên dạy piano, vừa là CEO của hệ thống đào tạo và cung cấp nhạc cụ toàn quốc. Mong muốn của anh là giúp cho nhiều người đến với piano bởi cuộc sống không thể không có âm nhạc, piano giúp con người cân bằng và hoàn thiện hơn, đặc biệt là với trẻ em.
Trong giai đoạn dịch bệnh, bên cạnh sáng tác các ca khúc cổ vũ các y bác sỹ và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhạc sĩ Phạm Trường vẫn triển khai các lớp học và hỗ trợ học sinh tại nhà qua online. Theo anh, piano không chỉ giúp trẻ cân bằng hai bán cầu não, tăng cường sự tập trung và rèn luyện trí nhớ. Piano thực sự là liệu pháp giúp chúng ta giải tỏa lo âu, căng thẳng, và sự lạc quan, vui vẻ.
“Âm nhạc là thứ vắc xin lành mạnh nhất giúp chúng ta vượt qua mọi bệnh tật và khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi đang và sẽ dành hết tâm huyết của mình để hỗ trợ mọi người đến với âm nhạc nói chung và piano nói riêng một cách giàu cảm hứng nhưng bài bản, chuẩn chỉnh”, nhạc sĩ Phạm Trường cho biết.