Với những người mới bắt đầu với piano một khoảng thời gian, đã có những kiến thức căn bản và bắt đầu tiến vào giai đoạn tự tập luyện mà không có sự hướng dẫn của giáo viên piano, đôi khi bạn sẽ cảm thấy đôi khi ngồi trước một cây đàn mà không biết nên bắt đầu từ đâu, rồi bạn sẽ chơi một đoạn ngắn của tác phẩm mình đang tập luyện, sửa những lỗi gặp phải và chơi tác phẩm lại một lần nữa. Cuối cùng bạn sẽ cảm thấy nhàm chán và không có phương hướng, bước ra khỏi cây đàn để làm một việc gì khác.
Hay là người chơi piano nhiều năm nhưng không thấy được sự tiến bộ vượt bậc? Những người chơi piano – cho dù là người chơi chuyên nghiệp hay chỉ coi piano là một thú vui giải trí, nên có trong mình khát vọng trở thành một người chơi giỏi hơn. Những tips sau đây sẽ giúp cho quá trình tập luyện của bạn trở nên mới mẻ hơn và hi vọng sẽ góp phần giúp cho bạn nhanh chóng tiến bộ hơn.
Hãy hoat động trước khi bắt đầu
Không nên vội vàng bước vào luyện tập ngay tác phẩm bạn đang muốn chơi, hãy dành thời gian để khơi động trước buổi tập. Bạn có thể tập luyện chạy scale, hợp âm hay các bài tập five-finger, hãy làm nóng ít nhất vài phút trước khi bước vào nội dung luyện tập chính.
Lên lịch tập luyện cụ thể
Lên kế hoạch cụ thể cho mỗi buổi luyện tập sẽ giúp bạn không bị lạc hướng trong quá trình tập, nếu bạn dành 1 tiếng cho việc luyện tập hàng ngày hãy phân ra nhiều phần nhỏ trong khoảng thời gian đó. Những buổi tập ngắn nhưng đều đặn sẽ cho kết quả tốt hơn những buổi tập dài (1 tiếng hàng ngày sẽ tốt hơn 4, 5 tiếng mỗi cuối tuần).
Hãy luôn nhớ rằng luyện tập và chơi là hai khái niệm khác nhau. Việc luyện tập đọc bản nhạc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển của bạn, khả năng đọc càng tốt giúp bạn luyện tập những tác phẩm dễ dàng hơn, vì vậy hãy dành một khoảng thời gian khoảng 10 phút dành cho việc này và bạn sẽ nhanh chóng thấy kết quả. Bên cạnh đó những bài tập scale hay arpeggio cũng sẽ giúp bạn phát triển kĩ thuật và kiến thức một cách tốt nhất.
Lựa chọn tác phẩm
Phần luyện tập tác phẩm chỉ nên bắt đầu khi bạn đã hoàn thành những bài tập về kĩ thuật cũng như kĩ năng đọc bản nhạc và nên chiếm một nửa thời gian của toàn bộ buổi luyện tập (khoảng 30 phút). Việc lựa chọn tác phẩm cũng ảnh hưởng lớn đến việc tập luyện và phát triển của bạn, nếu đó là tác phẩm bạn không có sự kết nối và cảm hứng – thì chắc hẳn bạn sẽ ít luyện tập hơn.
Số tác phẩm bạn nên tập trung vào một thời điểm nên là 3 (một tác phẩm chính vừa sức, một tác phẩm dễ, một tác phẩm khó để tạo cho bản thân thử thách) và hãy đảm bảo là bạn xoay vòng luyện tập chúng một cách hợp lý hằng ngày.
Cách luyện tập
Khi bắt đầu luyện tập, hãy nghiên cứu kĩ về tác phẩm kể cả những điều như bối cảnh tác phẩm, tại sao nó được ra đời – việc này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về âm nhạc và dễ dàng “cảm” được tác phẩm hơn. Sau đó là kết cấu, key, sự thay đổi tempo xuyên suốt trong tác phẩm (để quá trình tập luyện trở nên đơn giản hơn, đừng ngại ngùng note lên sheet nhạc theo cách riêng của bạn).
Sẽ rất tốt nếu bạn có “qui trình” cụ thể khi luyện tập một tác phẩm mới. Có thể là luyện tập từng tay riêng biệt cho tới khi bạn biết hết tất cả các nốt và thế bấm, sau đó chia từng phần nhỏ của bài ra để tập hai tay cùng lúc. Hãy bắt đầu với tốc độ vừa phải và bắt đầu tăng dần tốc độ khi bạn cảm thấy tự tin (có thể sử dụng metronome để kiểm soát nhịp tốt hơn)
Piano Mozart hi vọng chặng đường chinh phục âm nhạc trong năm 2019 của bạn sẽ trở nên thú vị hơn và những tip trên sẽ một phần nào giúp cho bạn tiến lại gần hơn với những mục tiêu mình đặt ra. Đừng quên hãy chơi cho những người bạn, người thân của mình nghe những tác phẩm bạn đã luyện tập và lắng nghe phản hồi của họ. Vì sau tất cả biểu diễn chính là cách giúp một người chơi piano nhanh chóng tiến bộ nhất.