Bài viết chia sẻ của thầy Phạm Trường về các phương pháp dạy đàn piano hiện nay ở Việt Nam
“Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực đào tạo piano và được tiếp xúc với rất nhiều học sinh, giáo viên, nhiều phương pháp, cách thức dậy và học piano. Hôm nay mình chia sẻ một vài quan điểm về cách dạy piano cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Tuỳ vào định hướng, nhu cầu, mục tiêu của các gia đình, các bố mẹ có thể lựa chọn giáo viên cũng như hướng đi phù hợp và hiệu quả nhất cho con em mình”
Các kiểu học đàn piano thường gặp:
1. Học theo kiểu học vẹt
Học gì biết nấy, tức là giáo viên đàn gì, dùng ngón nào, tay nào, đàn nốt nào thì học viên cũng chỉ biết đàn y chang như vậy, không biết đọc nốt. Học theo hình thức bắt chước. Có rất nhiều học sinh đàn học đàn theo kiểu này, tuỳ mức độ nặng nhẹ, nghĩa là có những em hoàn toàn không đọc được nốt nhạc. Có những bạn biết nhưng không thể tự vỡ bài. Ỷ lại vào giáo viên, giáo viên dạy bài gì thì biết bài đấy, không thì thôi ko thể đánh được. Cho một tác phẩm mới dù là dễ hơn tác phẩm mình đang đánh rất nhiều cũng ko thể tự đánh được, nghĩa là không có khả năng thị tấu.
Thông thường nếu giáo viên dạy học sinh theo kiểu này cũng không chú trọng để ý đến tư thế ngồi, tư thế tay của học sinh. Đa số các em đánh đàn gẫy ngón, ngồi sai tư thế rất nhiều. Một khía cạnh khác của việc học vẹt nhưng là đến từ phụ huynh. Phụ huynh/ học sinh (lớn tuổi 1 chút tầm 13-15 tuổi) yêu cầu được học những tác phẩm họ muốn.
Tôi đã gặp những yêu cầu kiểu như “bạn này học 1 năm đã chơi được bài này rồi. Chị cũng muốn con nhà chị tập bài này”, “thầy ơi dậy con bài này đi”, không dậy không học, đòi dậy bằng được. Nếu tác phẩm đó phù hợp với trình độ của học sinh thì không sao, nhưng nhiều học sinh kĩ thuật, tay ngón chưa đáp ứng được với tác phẩm nhưng lại đòi học những bài quá cao so với khả năng.
Tuy nhiên có nhiều giáo viên vì không muốn từ chối, làm mất lòng giáo viên nên vẫn dạy. Nên trách sao học sinh chỉ có thể giáo viên chỉ nốt nào đánh nốt ấy.
2. Học piano theo kiểu organ
Tức là học viên biết đọc nốt tay phải, còn tay trái giáo viên chỉ theo dạng hợp âm. Y như học organ, và hướng dẫn vài cách rải hợp âm.
Học theo cách này, học viên sẽ rất nhanh biết cách đàn, nhưng trình độ cũng chỉ mãi dừng lại ở đó. Vì khó mà biết cách làm sao cho bài hay hơn, chỉ dừng lại ở việc biết các ca khúc như nhạc trẻ có hoà thanh đơn giản. Và cũng tương tự như cách trên, giáo viên sẽ dậy bài nào học viên biết bài đó, không dạy không biết.
Cách này được áp dụng nhiều cho người lớn, các bạn trẻ, các bạn sinh viên muốn học 1 vài bài tủ hoặc học nhanh, xem hướng dẫn trên Youtube một vài bài mình thích. Tuy nhiên, dù là áp dụng cho piano nhạc nhẹ, piano cover, các bạn cũng áp dụng máy móc theo tư duy hoà thanh, cách chơi của người khác.
Cả 2 cách học trên đây khuyến cáo không nên áp dụng cho trẻ em.
Nếu hiểu được tầm quan trọng và những lợi ích bộ môn piano mang đến cho con em. Chắc chắn phụ huynh cần tránh các con em mình học theo những phương pháp này.
Hiện nay có những phương pháp được tung hô trên Youtube và Facebook như “Học piano trong 10 buổi”. “1 tháng chơi piano cực hay”. Hoặc “các kĩ thuật nhanh nhất để chơi được piano”. Tuy nhiên đây thực chất chỉ là “bắt chước” và không mang lại những lợi ích cơ bản của piano và nhạc cổ điển. Những cách này có thể áp dụng cho người lớn khi muốn chơi 1 vài bản nhạc cho vui.
Trẻ em độ tuổi học đàn trung bình là từ 6 tuổi. Các em còn rất nhiều thời gian các bố các mẹ à nên sao các bố mẹ phải nóng vội cho con nhanh biết chơi đàn? Các quý vị có muốn con học đàn để bồi dưỡng tố chất, phát triển tâm hồn, cân bằng hai bán cầu não để 2 não đều hoạt động hiệu quả hơn, để rèn luyện khả năng tập trung, tính kiên trì, bền bỉ nhẫn nại, và nếu có năng khiếu và đam mê có thể cho con đi theo hướng chuyên nghiệp (nếu con thích, tuy nhiên khả năng này cực thấp, thấp chí với nhiều gia đình, con đam mê yêu thích chưa chắc bố mẹ đã cho theo con đường chuyên nghiệp).
Hay là quý vị muốn con học thật nhanh để biết chơi những bản nhạc nghe có vẻ chuyên nghiệp một chút như những bản Sonate chẳng hạn. Rồi nghĩ là con học thế là đủ rồi, thôi cho con nghỉ, nhưng không biết là thực chất con không hề yêu thích, không có nhạc cảm, thậm chí con cảm thấy rất vui sướng khi không phải học đàn. Cứ thế là sau vài năm con sẽ quên hết như chưa từng bắt đầu, không thể chơi nổi một bài đầy đủ, con nói con không nhớ! Vậy là bao công sức đổ hết xuống sông xuống biển các bạn ạ, thực là “dục tốc bất đạt”.
3. Cách học “nửa vời”:
Cách học này nghĩa là học sinh biết những kiến thức, kĩ thuật cơ bản của piano. Giáo viên được đào tạo bài bản và có ý thức trong việc cần truyền đạt kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, tâm lí “môn học ngoại khoá”, “môn phụ”, môn giải trí, học cho vui, đã khiến cho việc học piano chưa đạt được nhiều thành tựu cao.
Những học sinh học theo kiểu này thường có thể chơi khá tốt nhưng cũng có thể rời bản nhạc thì không thể đánh đàn. Cũng chỉ có thể đánh được những bản đã được giáo viên hướng dẫn. Kĩ thuật, kiến thức mức độ chơi đàn của học sinh khó có thể chơi được các tác phẩm cổ điển, các tác phẩm khó.
4. Cách học piano bài bản
Học chuẩn, kĩ theo từng level, biết đọc nốt khóa Sol, đọc khóa Fa, nắm được từ cơ bản đến nâng cao nhịp phách, tiết tấu. Về cơ bản học sinh có thể tự vỡ bài mới, giáo viên chỉnh dần cho đúng và đúng sắc thái, tiết tấu, nhịp hơn.
Học theo cách này, có thể vì nôn nóng mà học viên hay phụ huynh có cảm giác lâu đàn được bài nhạc, tuy nhiên học viên sẽ rất chắc chắn. Đây là cách học giúp học viên phát triển một cách hoàn chỉnh nhất khi tiếp cận bộ môn piano. Học theo cách này thì dù có gặp nhạc trẻ hay nhạc cổ điển thì học viên cũng sẽ biết cách để tự tập bài.
Với cách học này, học sinh có thể rất nhanh nản, chán học, sợ học nếu giáo viên không biết cách, không hiểu tâm lí lứa tuổi. Nhiều gia đình cả bố mẹ lẫn con cái sợ quá nghĩ rằng không thể học được, không có năng khiếu nên bỏ cuộc khá nhiều, nhiều gia đình bán đàn.
Tôi có thể hiểu được vì sao người lớn nôn nóng cho con đàn được bài, vì với người lớn học piano nhằm giải trí là chủ yếu. Nhưng nếu áp dụng với các bạn nhỏ thì việc học piano tuy cũng là giải trí. Nhưng chắc chắn cũng để cho trẻ được phát triển một cách toàn diện hơn, và nếu đã có cơ hội, thời gian học, thì tại sao lại phải tiếp cận một sự sai lệch trong cách học, và cũng không giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, đúng như ý nghĩa của việc học piano mang lại.
Pham Trường – 9/2019
Mọi thắc mắc, góp ý và để nhận tư vấn trực tiếp quý khách vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH XNK Nhạc cụ Piano Mozart
Trụ sở: Số 25 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, HN
CS 1: Tòa Golden Land 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN
CS 2: Liền kề 7 – TT05 Tây Nam Linh Đàm, HN
CS 3: Ô 15 Lô 4 Đền Lừ 2, Hoàng Mai, HN
CS 4: Số 122, tổ 4, Phú Lương, Hà Đông, HN
CS 5: Số 18 Nguyễn Viết Xuân, Tp Phủ Lý, Hà Nam
CS 6: Số 333 An Dương Vương, Phương Lâm, Tp Hoà Bình
CS 7: Số 2 Đỗ Cận, Phường Ba Hàng, Phổ Yên, Thái Nguyên
CS 8: Số 253 Điện Biên, P. Lê Lợi, Tp Hưng Yên
CS 9: Số 11 Liền kề chung cư Trần Hưng Đạo, Tp Hạ Long, Quảng Ninh
CS 10: Sao Biển 2, Vinhome Marina Hải Phòng, Tp Hải Phòng
HOTLINE: 082.863.8888 – 024.6327.8963
Email: [email protected]