Trong dịch bệnh, nhạc sĩ trẻ Phạm Trường kịp thời ra nhiều tác phẩm, cổ vũ, động viên lực lượng tuyến đầu, nêu cao tinh thần đoàn kết, sẻ chia, truyền năng lượng tích cực, niềm lạc quan đến khán giả qua nhiều ca khúc đặc sắc.
Tình yêu tràn đầy trong từng nốt nhạc
“Khoác trên mình màu áo trắng tinh khôi. Cùng đồng đội em xung phong vào trận tuyến. Đất nước mình đang nhiều lắm gian nan. Nhớ lời người dặn lương y như từ mẫu. Và một trái tim đang rực lửa. Dặn người ở lại hãy giữ vững niềm tin.’’ Đó là những ca từ đầy xúc động trong bài hát “Người bác sĩ trẻ anh hùng” – sáng tác mới nhất của Phạm Trường – một trong những nhạc sĩ trẻ tiên phong mang “tinh thần chống dịch” vào các sản phẩm âm nhạc.
Phạm Trường sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại Ninh Bình, được đào tạo bài bản tại khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Không tập trung khai thác về tình yêu đôi lứa, Phạm Trường dành nhiều tâm huyết về các vấn đề thời sự, xã hội. Anh chia sẻ: “Từ năm 2020 đến nay, sự hy sinh của bác sĩ, lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống Covid-19 luôn khiến tôi trăn trở không thôi. Tôi đã dùng âm nhạc để ghi lại cảm xúc của mình với mong muốn âm nhạc có thể giúp tinh thần mọi người thư thái, đẩy lùi cảm giác tiêu cực trong đại dịch”.
Nhiều đêm thức trắng với những khuông nhạc, Phạm Trường đã sáng tác loạt ca khúc gây chú ý như: “Đà Nẵng ơi, Tổ quốc đang hướng về”; “Nếu anh không về” (phổ thơ Vũ Tuấn), “Bài ca chiến thắng dịch bệnh” (lời Phù Tiêu) , “Người thầy thuốc nhân dân’’ thơ Đỗ Hoàng.
Nhạc sĩ bày tỏ: “Qua các ca khúc này, tôi mong rằng người dân có thể thấy được sự nhọc nhằn của những chiến sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, và cảm thông và chia sẻ với họ. Đặc biệt, chống dịch không phải việc của riêng ai, mà là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà. Bớt một người cách ly là tuyến đầu bớt đi một sự nhọc nhằn”.
Có ca khúc anh còn “huy động” cả con trai, con gái cùng thể hiện. Ba bố con say sưa hát “Covid là gì?” với lời ca giản dị, dễ nhớ đầy chất trẻ thơ.
Nhận xét về những sáng tác của Phạm Trường, nhạc sĩ Cát Vận – Nguyên Trưởng ban âm nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc và Thời đại chia sẻ: “Tuy tuổi đời khá trẻ nhưng nhạc sĩ Phạm Trường đã cho thấy một tư duy âm nhạc tương đối già dặn, mà tiêu biểu nhất là hai tác phẩm ‘’Mẹ’’ và “Đất Mẹ Miền Trung” thể hiện rõ ngôn ngữ, bút pháp chững chạc, tư duy sâu sắc. Điều này cũng bộc lộ ít nhiều trong các bài hát phổ thơ. Nhạc sĩ đã chọn những bài thơ có tình, giàu hình tượng và giàu nhạc tính để phù hợp phong cách của mình. Tính trữ tình là một trong những đặc điểm nổi bật ở sáng tác của Phạm Trường và anh đã thể hiện được thế mạnh này qua các nhạc phẩm”.
“Trong thời điểm dịch bệnh, Phạm Trường đã kịp thời ra nhiều tác phẩm, góp thêm tiếng nói cổ vũ, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nêu cao tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cùng nhau vượt qua khó khăn. Phạm Trường luôn nỗ lực để tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng là điều hết sức đáng quý, thể hiện cái tâm, sự nhiệt huyết của người sáng tạo nghệ thuật”, nhạc sĩ Cát Vận đánh giá thêm.
Với hàng loạt ca khúc viết về đề tài nóng hổi, là một trong những nhạc sĩ nhanh chóng ra đời ca khúc cổ vũ lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhiều khán giả đã gọi Phạm Trường bằng cái tên trìu mến “nhạc sĩ chống dịch”.
BS. Vương Sơn Thành – Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Tôi đang tham gia chống dịch tại TP.HCM, cũng là người yêu âm nhạc, những bài hát trữ tình, mang chút âm hưởng hàn lâm, tôi rất thích các bài hát của nhạc sỹ Phạm Trường. Đặc biệt, tôi ấn tượng sâu sắc với bài hát “Người thầy thuốc nhân dân” và “Nếu anh không về”. Những ca khúc này vô cùng ý nghĩa, tiếp thêm năng lượng cho các y bác sĩ chống dịch. Nhạc của Phạm Trường ấm áp, dễ nghe, dễ đi vào lòng người, ca từ nhẹ nhàng, đơn giản như đang kể một câu chuyện hằng ngày. Mỗi lần nghe tôi càng cảm thấy xúc động hơn”.
Không ngừng lan tỏa đam mê âm nhạc đến mọi người
Bên cạnh những ca khúc về chủ đề chống dịch, Phạm Trường còn được biết đến với những ca khúc về quê hương như: “Về Khánh Trung quê anh”, “Sơn La tình yêu đôi mình”, “Dòng sông Trí quê mình” (thơ Dương Xuân Sơn, Lê Quốc Hán)… ghi dấu ấn bởi lời ca trong sáng, thân thương, giai điệu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.
PGS.TS Dương Xuân Sơn, đồng thời là một nhà thơ, nhà báo nhận xét: “Phạm Trường là một nhạc sĩ trẻ tài năng. Trường đã chắp cánh cho những vần thơ của chúng tôi vươn xa tới đông đảo công chúng”.
Hiện Phạm Trường là giáo viên dạy piano, CEO của công ty Piano Mozart – hệ thống đào tạo và cung cấp nhạc cụ toàn quốc. Anh mong muốn lan tỏa đến mọi người tình yêu với piano. Theo anh, piano sẽ giúp con người hoàn thiện hơn trong cảm thụ âm nhạc, đặc biệt là trẻ em. Anh cho biết: “Piano không chỉ giúp trẻ cân bằng hai bán cầu não, tăng cường sự tập trung và rèn luyện trí nhớ, mà còn là liệu pháp giúp chúng ta giải tỏa lo âu, căng thẳng, tạo sự lạc quan, vui vẻ”.
Nhạc sỹ chia sẻ thêm, hiện anh khá tất bật với các dự án âm nhạc, nhiều đặt hàng sáng tác từ các đơn vị doanh nghiệp, trường học.
Trong giai đoạn dịch bệnh, bên cạnh sáng tác, nhạc sỹ Phạm Trường vẫn triển khai các lớp học và hỗ trợ học sinh qua hình thức online.
“Với tôi, âm nhạc là “vắc xin” giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Tôi luôn dành nhiều tâm huyết để hỗ trợ mọi người tìm hiểu bài bản về âm nhạc nói chung và piano nói riêng”, Phạm Trường chia sẻ.