Thật như các bạn đã biết, cây đàn Piano có rất nhiều bộ phận khác nhau. Mỗi bộ phận dù nhỏ hay lớn vẫn đóng một vai trò quan trọng để làm cây đàn piano hoàn hảo với âm thanh tuyệt vời và mỗi khi bàn tay lướt trên những phím đàn, âm thanh vang lên, tạo thành những bản nhạc làm say mê không biết bao nhiêu người yêu âm nhạc, yêu tiếng đàn!
Và để giúp các bạn hiểu rõ hơn về cây đàn này, Piano Mozart sẽ tiếp tục loạt bài TÌM HIỂU VỀ ĐÀN PIANO. Trong phần nội dung ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu xem cơ chế hoạt động của đàn Piano. Mỗi khi chúng ta nhấn phím đàn, thì các bộ phận bên trong cây đàn sẽ bị tác động như thế nào để tạo ra thứ âm thanh MÊ HOẶC đến vậy nhé!
Hiểu một cách đơn giản nhất thì khi tay ta tác động một lực lên phím đàn, thì bên trong trục đứng sẽ được đẩy lên khiến búa gõ vào dây dàn. Và cùng với đó, thì bộ phận phím chặn âm sẽ được nâng lên khỏi dây đàn để dây đàn có thể rung và tạo ra âm thanh. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo hình ảnh sau đây:
Sơ đồ thứ tự cơ chế hoạt động của đàn piano
Mỗi phím đàn (1) được coi là một đòn bẩy và có điểm tựa ở một trục thăng bằng (2). Và khi người chơi nhấn một phím đàn xuống, phần đuôi đòn bẩy được nâng lên khiến trục đứng (3) đẩy khớp nối (4) một đầu giữ chặt lên. Đầu tự do của khớp nối kéo theo chi tiết hình chữ L được gọi là đòn bẩy thoát (5) (escapement lever) và đòn bẩy lặp (9) (repetition lever).
Đòn bẩy thoát đẩy con lăn (6), một cuộn nỉ được gắn chặn vào cán búa (7), đẩy đầu búa lên cao. Đòn bẩy thoát dừng lại khi mà phần đuôi nhô ra của nó chạm vào nút chỉnh (8). Đầu búa rời khỏi đòn bẩy thoát và gõ vào dây đàn. Đòn bẩy lặp cũng được nâng lên, nhưng chỉ tới khi khi đòn bẩy thoát vượt qua nó và chạm vào chiếc ốc rơi (10). Đòn bẩy lặp giữ nguyên vị trí này cho đến lúc phím đàn được thả ra.
Tiếp đó búa rơi một nửa đường về vị trí cũ. Nhưng bị chặn lại bởi con lăn và chạm vào đòn bẩy lặp đang ở vị trí được nâng lên cao. Nhờ đó, đòn bẩy thoát có thể trượt phía dưới cán búa lúc này vẫn đang được nâng lên một nửa để trở về vị trí ban đầu của nó. Cùng thời điểm này, búa kiểm tra (11) ngăn đầu búa gõ lại vào dây đàn.
Lúc này sẽ sảy ra hai trường hợp:
- Khi phím đàn được thả ra một phần, búa gõ thoát khỏi búa kiểm tra trong khi đòn bẩy vẫn giữ nguyên ở trạng thái nâng lên. Và nếu lúc này, người chơi lại ấn phím đàn này xuống, đòn bẩy thoát có thể một lần nữa đẩy con lăn và làm cho đầu búa nâng lên, gõ vào dây đàn. (Hệ thống này cho phép sự lặp lại liên tục của một nốt trước khi phím đàn và chiếc búa kịp quay trở về vị trí ban đầu.) Trong lúc này, phần đuôi của phím đàn đẩy phím chặn tiếng (12) lên phía trên, nâng nó lên khỏi dây đàn. Khi phím đàn đã được thả lỏng một phần nào đó, phím chặn tiếng rơi ngược lại lên dây đàn làm tắt tiếng.
- Trong trường hợp phím đàn được nhả ra hoàn toàn, toàn bộ cơ cấu lại trở về vị trí đầu tiên nhờ trọng lực. Tuy nhiên, cơ chế này không hoàn toàn giống nhau ở đàn Grand piano, và đàn Upright Piano. Vì đàn Upright Piano không thể dựa vào trọng lực để buộc mọi thứ trở về vị trí ban đầu được. Nguyên nhân là bởi vì ở Grand piano các bộ phận đặt nằm ngang trên phím đàn, còn với Upright Piano thì bộ cơ lại được xếp gần vuông góc. Để buộc mọi thứ trở về ban đầu, đàn Piano đứng sử dụng thêm các loại dây và những băng vải nhỏ để kéo các phần của bộ cơ trở về vị trí cũ.
Trên đây là các thành phần cơ bản và mô tả cơ chế hoạt động cơ bản của một cây đàn Piano cơ. Đọc không thì bạn cảm thấy rất phức tạp đúng không nào, nhưng khi thực sự nhấn 1 phím đàn thì toàn bộ phần cơ chế này chỉ diễn ra trong 1 hoặc vài giây hoặc thậm chí không đến 1 giây đâu.